Nhìn từ xa, đã thấy tòa bảo tháp hình bầu độc đáo vươn lên nổi bật trên nền trời. Bước vào chùa, cảm nhận đầu tiên là sự tĩnh lặng trong không gian thiền tịnh tôn nghiêm nhưng không tĩnh mịch u hoài, mà như một “nốt trầm” khiến tâm hồn trở nên lắng dịu trong ngôi nhà tâm linh thanh tịnh.

Thật túc duyên, chúng tôi được gặp nhà sư trụ trì – Thượng tọa Thích Minh Pháp. Vận bộ nâu sồng giản dị, cây bút dắt vạt áo dài, Thượng tọa mời chúng tôi thưởng trà trong khách đường của tự viện. Thong thả nhấp một ngụm trà, ông chậm rãi đọc 4 câu thơ cảm tác về quần thể di tích lịch sử văn hóa gắn liền với sông Loan – núi Biện…
Theo tích sử tìm về núi Biện
Gió neo đầy một dải sông Loan
Hương lúa đẫm cửa chiền bỏ ngỏ
Đón riêng miền Yên Lạc vào thu.
…Vào thế kỷ thứ 10, trước tình hình triều chính rối ren, loạn lạc, để giữ đất, giữ dân, tướng Nguyễn Khoan đã nổi dậy cát cứ vùng đất Tam Đái (tức Yên Lạc ngày nay). Dựa vào địa thế, ông đặt thủ phủ ở núi Biện, doanh trại ở gò Đồng Đậu (ngày nay là di chỉ khảo cổ) làm nơi chiêu mộ, huấn luyện dân binh. Với chủ trương khuyến khích ngành nghề canh nông song song với tập luyện, Nguyễn Khoái đã mang lại đời sống ấm no, yên ổn cho nhân dân trong vùng trong nhiều năm liền. Để ghi nhớ công ơn, nhân dân đã tôn ông làm thành hoàng và lập đền Gia Loan làm nơi thờ tự, dựng chùa Biện Sơn để lưu dấu một địa danh lịch sử… |

Thượng tọa kể, năm 1947, thực hiện lời kêu gọi toàn dân tiêu thổ kháng chiến, ngôi chùa gần như bị phá hủy, sau này địa phương dựng lại một ngôi chùa nhỏ làm nơi thờ tự nhưng trong thời gian dài không có người chăm nom, coi sóc nên chùa xuống cấp, hư hỏng nặng.
“Năm 2005, khi tiếp quản và trụ trì chùa Biện Sơn, về cơ sở vật chất gần như hư hỏng toàn bộ, trở thành nơi hoang vu; về văn bản, giấy tờ, thư tịch cũng không còn gì lưu lại. Thể theo nguyện vọng của bà con nhân dân, chúng tôi đã cùng với chính quyền địa phương, bà con nhân dân trên địa bàn và phật tử gần xa xây dựng lại ngôi chùa trên nền đất cũ để phục vụ tín ngưỡng của nhân dân. Do đây là di tích lịch sử cấp quốc gia và nằm trong di chỉ khảo cổ Đồng Đậu nên việc xây dựng phải cân nhắc rất nhiều”, Thượng tọa nói.
Chùa được xây theo hình chữ Tam, gồm nhà tổ, đông đường, tây đường, giảng đường, khách đường, hội trường, tạo thành một chỉnh thể tôn giáo khang trang và tôn nghiêm.
“Chùa không chỉ có ý nghĩa tâm linh mà còn là không gian văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt, nơi mọi người cảm nhận rõ tinh thần nhân văn, gửi gắm những ước nguyện an lạc. Chùa trong cộng đồng làng xã còn là nơi ‘cây đa bến nước sân đình’- nơi gắn liền với văn hóa làng xã, là biểu trưng gìn giữ văn hóa truyền thống và nhiều khi nó còn là tinh túy của làng quê, cất chứa trong đó nhiều giá trị, vì thế chùa còn mang nhiều trọng trách. Do đó, chúng tôi cố gắng kết hợp hài hòa giữa kiến trúc truyền thống cổ với văn hóa thời đại, văn hóa kiến trúc mang dấu ấn của thời đại, mang ý nghĩa về mặt tinh thần và tâm linh, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Phật tử và du khách khắp nơi”, Thượng tọa Thích Minh Pháp chia sẻ.
Điểm nhấn của Biện Sơn tự chính là tòa bảo tháp hình bầu độc đáo vươn lên nổi bật trên nền trời.
“Năm 2014 chúng tôi xin phép và được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chấp thuận cho xây dựng một ngôi bảo tháp để thờ Phật. Ý tưởng ban đầu như tất cả các tháp trong những ngôi chùa khác là “thượng thu hạ thách” - tức dưới to trên nhỏ dần lại, thế nhưng sau đó nhiều ý kiến cho rằng huyện Vĩnh Lạc thuộc tỉnh Vĩnh Phú trước đây là vựa lúa, là cái nôi của người Việt cổ, do đó chúng tôi quyết định sẽ lấy biểu tượng hình đòng đòng lúa chuẩn bị trổ bông để làm hình tháp, vì vậy tháp có hình rất đặc biệt, và tất cả các cột trong chùa đều mang biểu trưng chung là hình đòng đòng lúa”, Thượng tọa cho hay.
Diện tích mặt bằng của tháp là 140 m2, gồm13 tầng nổi trên mặt đất và 1 tầng hầm làm bảo tàng, tháp có chiều cao 68m từ đỉnh tháp xuống mặt đất. Mặc dù được động thổ vào ngày Phật đản (rằm tháng Tư) năm 2014 và đến tháng 10/2014 mới bắt đầu tiến hành xây dựng, nhưng phải đến… 4 năm sau (năm 2018) mới hoàn thiện và cho đến tháng 10 năm 2020 mới hoàn thành xong cửa tháp.
Tầng 13 của bảo tháp được đặt pho tượng Như Lai được đúc hoàn toàn bằng đồng với trọng lượng gần 1 tấn. Trong tầng hầm, ngoài các pho tượng Phật, tượng đức thánh Trần, tượng Mẫu, còn có một pho tượng đá vô cùng đặc biệt, được tìm thấy trong ngôi cổ tự trên núi Biện trước đây, được nhà chùa lưu giữ lại.

Biện Sơn tự còn có một bảo tháp bằng đồng cao 7,7m, nặng 12 tấn, được đúc tại Xuân Trường (Nam Định) trong 500 ngày. Bảo tháp được đặt đối diện với một giếng đá (nhìn giống như một nghiên mực) huyền bí…
Đến chùa Biện Sơn, nếu không gian và kiến trúc Phật pháp làm con người trở nên tĩnh tại, thì giá trị tinh thần như được tăng lên bởi những năng lượng tích cực lan tỏa ở nhiều giác độ.
Thượng tọa tặng tôi tập thơ đầu tay mang chủ đề “Tự khúc thời gian” xuất bản năm 2008. Tập thơ như một bức họa bằng ngôn ngữ tràn đầy cảm xúc, từ tự sự của người “cất bước đường tu lánh bụi trần” đến những hoài niệm đồng vọng dẫn người đọc vào một miền ký ức đầy thi vị…
Từ những tâm sự của mình “Chữ nghĩa vốn đã của đời/ Ta xâu chuỗi lại thành lời tri âm”, Thượng tọa Thích Minh Pháp sáng lập thi đàn trong không gian chùa để những người yêu thích văn học nghệ thuật cùng chia sẻ tiếng lòng mình và những suy ngẫm về nhân tình thế thái.

“Thi đàn Biện Sơn hiện có trên 50 thành viên hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, sinh hoạt định kỳ hàng năm, mỗi năm chúng tôi xuất bản một thi tuyển chọn lọc những tác phẩm xuất sắc nhất”, Thượng tọa nói.
Chùa Biện Sơn còn có một nét đặc biệt nữa là không gian trưng bày tranh sơn mài của nhiều họa sỹ trên cả nước. Theo Thượng tọa Thích Minh Pháp, cùng với thi đàn, không gian tranh được mở không nhằm mục đích nào khác ngoài việc mang đến cho Phật tử và du khách thập phương tinh thần hướng thiện. “Điểm cốt lõi của Phật giáo là tinh thần hướng thiện, mang đến những kiến giải về cuộc sống an hòa, sự tĩnh tại trong không gian Phật pháp còn khai thông những bế tắc, gợi mở những ý tưởng tốt đẹp, làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa, tốt đẹp hơn”, Thượng tọa chia sẻ.
Viễn Nguyệt
Tạp chí Du lịch tháng 4/2021