Sự nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch
Khởi đầu cho năm 2023 là kỳ nghỉ Tết Quý Mão kéo dài một tuần. Cùng với thời tiết thuận lợi, người dân đi du xuân tăng gần 50% so với Tết Nhâm Dần. Ước tính trong kỳ nghỉ Tết, cả nước có khoảng 9 triệu lượt khách nội địa đi du xuân, chưa kể hàng trăm ngàn lượt khách xuất ngoại, mang đến không khí tươi mới cho ngành Du lịch sau một năm nhiều trầm lắng. Dịp Tết 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng tăng dần. Tính riêng trong tháng 1/2023, Việt Nam đã đón trên 871.000 lượt khách quốc tế, tăng 23,2% so với tháng 12/2022. Trong đó, Hàn Quốc vẫn dẫn đầu thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, tiếp đến là Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc; khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không. Doanh thu du lịch lữ hành tháng 1/2023 ước đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 113,4% so với cùng kỳ năm trước.
Những diễn biến của thị trường Tết năm nay là tín hiệu tích cực, phản ánh hoạt động du lịch tiếp tục duy trì được đà phục hồi sau hơn hai năm bị tác động bởi đại dịch COVID-19, kỳ vọng một năm tươi sáng cho ngành Du lịch Việt Nam. Trước diến biến đó, nhiều doanh nghiệp du lịch đã chủ động tìm kiếm thị trường; tăng cường liên kết, hợp tác, nghiên cứu xây dựng sản phẩm, các chương trình, kế hoạch để thu hút khách du lịch nói chung và khách quốc tế đến Việt Nam nói riêng, chuẩn bị tốt nhất cho việc đón khách dịp Tết Quý Mão và trong năm 2023. Giám đốc sản phẩm Mai Việt Travel Dương Xuân Tráng chia sẻ: “Để chuẩn bị đón và phục vụ khách quốc tế đến Việt Nam du lịch trong năm 2023, chúng tôi chọn lọc kỹ các khách sạn, nhà hàng tốt, các lịch trình tham quan phù hợp với từng đoàn khách và quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người làm việc trực tiếp phục vụ khách phải được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp”.
Cùng quan điểm với ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc Mr Linh’s Adventures Nguyễn Tuấn Linh cho rằng yếu tố con người nắm vai trò rất quan trọng góp phần để ngành Du lịch phục hồi và bứt phá. Để chuẩn bị đón khách trong năm 2023, Mr Linh’s Adventures đã tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, luôn trau dồi các kiến thức chuyên môn và trải nghiệm thực tế cho đội ngũ nhân viên. “Trên quan điểm mỗi cá nhân đều là một đại sứ du lịch của Việt Nam, chúng ta đều có trách nhiệm quảng bá du lịch Việt Nam, giới thiệu đất nước tươi đẹp, văn hóa, con người mến khách đến với bạn bè và du khách trên toàn thế giới một cách chuyên nghiệp, chân thực, hấp dẫn. Ngoài ra, việc củng cố, nâng cấp các trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật là cần thiết. Mr Linh’s Adventures đã mở thêm một chi nhánh văn phòng tại 44 Hồng Tiến (Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) nhằm quản lý điểm đến, cung cấp các dịch vụ lữ hành: du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận tải, hội họp, sự kiện… cũng như phục vụ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam”, ông Nguyễn Tuấn Linh chia sẻ.
Là một doanh nghiệp lữ hành lớn của Thủ đô và cả nước, hiện Công ty Lữ hành Hanoitourist đang hoạt động khai thác cả khách nội địa, đón khách quốc tế vào và đưa khách Việt Nam ra nước ngoài. “Chúng tôi sẽ xây dựng những phương án kinh doanh để đón xu hướng khách năm 2023 tốt nhất. Bên cạnh việc xác định những thị trường trọng điểm mà mình có thế mạnh nhất để xây dựng những sản phẩm đặc thù, phù hợp, khác biệt, Hanoitourist sẽ tăng cường xúc tiến quảng bá sớm để chủ động thu hút khách. Ngoài ra, sẽ tăng cường liên kết thêm với một số đơn vị trong ngành, với các đối tác để có được sự chủ động và chuẩn bị tốt nhất”, Giám đốc Hanoitourist Lê Hồng Thái cho hay.
Chuyển đổi số cũng là một trong số các giải pháp được doanh nghiệp quan tâm. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch Mở Sao Đất Việt Nguyễn Văn Bình cho biết, du lịch thông minh đang trở thành một xu hướng tất yếu. Công ty đã tích cực tham gia các hoạt động trên các nền tạng mạng xã hội như: Zalo; Facebook; Instagram; Ticktok...; thường xuyên đăng tải các sản phẩm du lịch đặc thù của doanh nghiệp trên các nền tảng mạng xã hội để tăng lượt theo dõi, tương tác từ đó khách hàng biết nhiều hơn về doanh nghiệp cũng như thêm lựa chọn cho khách khi có ý định mua tour du lịch. Bên cạnh đó, Công ty luôn chủ động tiếp cận các nguồn khách mới, chăm sóc các khách hàng thân thiết, làm mới liên tục các sản phẩm của mình để thu hút và làm hài lòng khách hàng. Chúng tôi luôn đảm bảo các sản phẩm du lịch của mình được phát triển trên các nền tảng ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Để thu hút khách du lịch nói chung và khách du lịch quốc tế nói riêng đến Việt Nam, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp du lịch rất cần sự kết nối, chủ động của các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng điểm đến an toàn, tạo sản phẩm đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn. Bên cạnh đó, những khó khăn của doanh nghiệp cùng những vướng mắc về cơ chế chính sách, vấn đề visa cần được quan tâm, tháo gỡ kịp thời, tạo động lực để du lịch Việt Nam phát triển.
Chủ tịch Lux Group Phạm Hà nhận định, mặc dù chúng ta đã mạnh dạn mở cửa nhưng Việt Nam vẫn chưa nắm bắt được cơ hội để có thể phục hồi so với các nước trong khu vực. Còn nhiều bất cập về vấn đề visa, việc kết nối hàng không còn chậm, các sản phẩm còn thiếu; thông tin tuyên truyền tới du khách còn chưa được nhất quán. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn chậm trong việc định hình chân dung khách hàng mục tiêu; họ là ai, đến từ đâu, cần gì và muốn gì thì chưa tính toán được. Mặt khác, du lịch Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào khách đại trà, vẫn chưa có nhiều thay đổi để thích ứng, vẫn đang coi trọng số lượng hơn chất lượng. “Từ khi Việt Nam chính thức mở cửa trở lại đã có một số chương trình hành động để kích cầu du lịch, khách nội địa có tăng nhưng khách quốc tế còn hạn chế; doanh thu từ khách du lịch nội địa cũng còn thấp. Ngành Du lịch muốn phát triển bền vững cần đảm bảo song hành hai mảng khách nội địa và quốc tế, giải quyết bài toán du lịch mùa vụ, đảm bảo nguồn khách và doanh thu cho các địa phương”, ông Phạm Hà tâm huyết.
Ông Phạm Hà kiến nghị: “Để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, chúng ta nên tập trung vào các thị trường mới và đi du lịch vào các mùa mới, không chỉ mùa cao điểm. Thay vì chú trọng số lượng, cần tập trung vào các thị trường có khả năng chi trả cao và kết nối hàng không tốt như Mỹ và Canada. Bên cạnh các thị trường truyền thống như Tây Âu thì cũng cần quan tâm thêm thị trường Đông Âu. Một số thị trường gần như Úc hay New Zealand cũng nên lưu ý vì họ thường đi vào mùa hè, cần nghiên cứu các thị trường để tạo du lịch quanh năm để đảm bảo tính bền vững”. Cũng theo ông Phạm Hà, cần nghiên cứu nhu cầu, tâm lý, sở thích của các đối tượng khách, của từng thị trường, trong đó có các thị trường nguồn để có các sản phẩm du lịch và trải nghiệm đặc thù. Việt Nam nên công bố đã kết thúc COVID-19 để thu hút truyền thông quốc tế, đưa ra các chính sách mới nhằm thu hút khách. Đồng thời, công bố bỏ bảo hiểm du lịch quốc tế chi trả cả bệnh COVID-19 khi làm thủ tục visa. Đặc biệt là cần thực hiện cạnh tranh bằng chiến lược visa đã không có nhiều thay đổi trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, theo Giám đốc Hanoitourist Lê Hồng Thái, các doanh nghiệp du lịch cần ngồi lại với nhau để xác định những thị trường cần tập trung khai thác, đặc biệt là những thị trường có khả năng thu hút. Xây dựng những chương trình du lịch phù hợp với từng thị trường, có điểm nhấn, có sự hấp dẫn, có thể tham khảo các chiến dịch sản phẩm của Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản...; tạo hiệu ứng quảng bá tập trung, phục vụ thống nhất. Tạo điều kiện thông thoáng hơn trong chính sách cấp visa; tốt nhất là nghiên cứu để có chính sách miễn visa hợp lý cho các thị trường trọng điểm. “Nghiên cứu triển khai sớm các chương trình quảng bá phù hợp tại các thị trường trọng điểm; thống kê lại nguồn nhân lực dự kiến cần có để phục vụ số lượng khách phù hợp. Chuẩn bị phương án phục vụ du khách khi một số biến chủng COVID quay trở lại; có phương án cụ thể đón khách từ các thị trường Trung Quốc để cạnh tranh”, ông Thái nhấn mạnh.
Giám đốc sản phẩm Mai Việt Travel Dương Xuân Tráng cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế. Cần thực hiện sớm và thông thoáng nhất có thể việc cấp và miễn visa cho du khách vào Việt Nam; tăng thời gian miễn visa từ 15 lên 30 ngày nhằm thúc đẩy, thu hút khách quốc tế. Các doanh nghiệp du lịch, địa phương cũng cần tăng cường liên kết; nghiên cứu xây dựng, hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, tạo điểm nhấn, thu hút khách. Theo Giám đốc Mr Linh’s Adventures, cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trên mọi phương tiện trong và ngoài nước; tập trung khai thác khách thị trường truyền thống, thị trường khách du lịch chất lượng cao; mở rộng thị trường tiềm năng, có mức tăng trưởng nhanh, có mức chi tiêu cao và lưu trú dài ngày. Nguồn nhân lực du lịch phải được đào tạo bài bản, đảm bảo chất lượng đầu ra từ các trường đại học.
Tuấn Hải