�--- 1---
Thừa hưởng những tố chất nghệ thuật từ gia đình – những hạt nhân trong phong trào văn nghệ vùng đất mỏ, Mai Loan tham gia hoạt động văn nghệ từ rất sớm. Khi mới 5 tuổi đã là thành viên của Đội văn nghệ xung kích (thuộc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Ninh) đi biểu diễn ở khắp mọi nơi trên địa bàn tỉnh, từ các xã thuộc vùng sâu, vùng xa đến các chốt biên giới, hải đảo. Ở bất kỳ nơi nào, tiếng hát trong veo của cô bé có 2 bím tóc xinh xinh đều nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Cả tuổi thơ của Mai Loan là hát và hát. Năng khiếu ca hát của cô bé đã thu hút sự chú ý của nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Phát hiện tố chất đặc biệt ở Loan, nhiều trường nghệ thuật đã chào đón Loan “về với đội”, để đào tạo cô trở thành một ca sỹ chuyên nghiệp. Dù luôn ủng hộ con gái đi hát, thế nhưng bố mẹ Loan lại rất cương quyết trong việc định hướng cho con theo con đường chuyên nghiệp. “Con chỉ đi hát phong trào, không thể và không nên theo chuyên nghiệp”, câu nói của bố ngày đó mà cho đến bây giờ, chị vẫn nhớ như in trong đầu.

Ở lứa tuổi ấy, Mai Loan chưa thể ý thức được con đường cô sẽ đi. Trong tâm hồn non nớt của cô bé cũng mới chỉ lờ mờ cảm nhận được cái gọi là tình cảm của khán giả dành cho mình. Dù thế, không khí của những chuyến đi luôn khiến cô háo hức, ra đảo có say sóng đến mấy, cô vẫn đòi đi bằng được, hay những lần ra biên giới biểu diễn thiếu thốn mọi bề, sân khấu chỉ là một chiếc bục đơn sơ với ngọn đèn điện lờ mờ, cô vẫn say sưa hát…, nhớ lại kỷ niệm những chuyến đi ra vùng biên giới Bình Liêu, Đầm Hà, phải ở nhờ nhà dân, cả đoàn quây quần bên ngọn đèn dầu leo loét, Mai Loan không khỏi bùi ngùi xúc động…
Khi học xong cấp 3, Mai Loan mới hiểu vì sao gia đình lại ngăn cản cô đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Lúc đó, phong trào nghệ thuật quần chúng ở Quảng Ninh phát triển rất mạnh, nhưng có một điều khá đặc biệt là hầu hết những học xong chuyên nghiệp lại về với các phong trào quần chúng và họ đều có một nghề “tay phải”, hoạt động văn nghệ chỉ là “tay trái”. Nhiều người được đào tạo bài bản, thậm chí tốt nghiệp nhạc viện cũng về làm tại một cơ quan, xí nghiệp nào đó để ổn định cuộc sống rồi mới tham gia các hoạt động biểu diễn mang tính chất phong trào.

Mai Loan cũng không ngoại lệ, thời điểm tốt nghiệp trung cấp sư phạm nhạc họa (thuộc trường Văn hóa Nghệ thuật Quảng Ninh) là lúc giọng ca sung mãn nhất, tiếng hát của chị ngày càng được nhiều người biết đến, trong đó có những “bầu sô ca nhạc” tìm mọi cách để có thể “sở hữu” chất giọng lạ, hiếm có này. Nhưng, Mai Loan từ chối tất cả. Suốt nhiều năm tháng, chị như cánh chim tự do, bay lượn phiêu du không cố định nơi nào…
… Khi biết tin Mai Loan về làm công nhân ở mỏ than Hà Lầm, rất nhiều người ngỡ ngàng và tiếc nuối cho tài năng của chị. Mai Loan nhớ lại, sau chuỗi thời gian tự do làm những việc mình thích, đến một ngày chị chợt nhận ra rằng, tất cả những việc mình làm đều đi ngược với mong muốn của gia đình. “Đến lúc phải dừng lại thôi”, chị nhủ thầm và quyết định về bên bố mẹ. Chẳng ai tin được cô ca sỹ nổi danh ngày nào giờ đây lại nghiêm ngắn trong bộ quần áo bảo hộ, đầu đội mũ, chân đi ủng, vai vác xẻng, làm nhiệm vụ xúc than cho bộ phận sàng. Tiếng là công nhân lao động trực tiếp, nhưng chẳng mấy khi Mai Loan phải động chân, động tay vì “anh chị em tranh làm hết”, với điều kiện chị phải hát và kể chuyện cười cho mọi người…
Tiếng hát của cô công nhân mỏ lan xa tới các đơn vị trực thuộc tập đoàn Than khoáng sản. Mỏ than Hà Tu (cái nôi của phong trào thể thao quần chúng trong đó nổi tiếng là bóng chuyền nữ, bóng đá than Quảng Ninh) mời chị về để “gây dựng và thúc đẩy phong trào văn nghệ”. Thế là từ chỗ chỉ hát phục vụ anh chị em công nhân trong ngành, Mai Loan có thêm vai trò mới là dàn dựng, biên tập, tổ chức các chương trình biểu diễn cho tất cả các đơn vị ngoài ngành có nhu cầu. Danh hiệu Nghệ sỹ vùng mỏ chị vinh dự được tỉnh Quảng Ninh tặng là sự ghi nhận cho những đóng góp của chị đối với phong trào nghệ thuật quần chúng tại địa phương.

Những tưởng cuộc đời người nghệ sỹ tài năng sẽ chỉ có những nụ cười, ngờ đâu lại đầy trắc trở và nước mắt. Hạnh phúc riêng không trọn vẹn rồi lại phải đối mặt với sự kỳ thị của dư luận về giới tính của cô con gái khiến chị trầm cảm nặng. Bỏ lại sau lưng tất cả, chị đưa con về Hà Nội như một cách thoát khỏi áp lực đè nặng…
---2---
Ở một nơi hoàn toàn xa lạ, không họ hàng thân thích, đến cả người quen cũng không, nhưng với chị, đó không phải là điều trở ngại. Với chuyên môn, kinh nghiệm “thực chiến” của mấy chục năm trời đi hát và tổ chức biểu diễn, chị nhanh chóng có những đơn vị tìm đến “đặt hàng” dàn dựng các chương trình văn nghệ nội bộ. Thu nhập tạm ổn cho cuộc sống không có mấy nhu cầu vật chất của 2 mẹ con. Thông cảm với hoàn cảnh của chị, một “bờ vai vững chãi” đã dành cho chị bằng sự chân thành, thấu hiểu và chia sẻ. Chị đã có những tháng ngày hạnh phúc bên anh. Người ta bảo “hồng nhan đa truân”. Câu nói này thật đúng với chị. Sự nghiệt ngã của cuộc đời vẫn không ngừng theo đuổi người đàn bà tài sắc. Sự ra đi đột ngột của anh khiến chị gần như gục ngã. Chị lại rơi vào trạng thái trầm cảm nặng, tưởng như rơi xuống vực sâu không lối thoát. Đã có lúc, chị muốn buông xuôi tất cả, nhưng nghĩ đến con, chị quyết tâm phải gạt bỏ những buồn đau để đi bên con trên đoạn đường còn lại của cuộc đời…

Động lực tinh thần ấy đã tiếp sức mạnh cho chị vượt qua cơn trầm cảm. Hai mẹ con thuê một gian nhà nhỏ xíu ven hồ Hoàng Cầu làm nơi trú ngụ. Chị mở quán trà để sống qua ngày. Luôn chu toàn với khách đến quán dù chẳng mấy khi trò chuyện, nhưng lạ lùng thay, dường như chị càng kiệm lời bao nhiêu thì khách tìm đến với quán càng đông bấy nhiêu. Trong số những khách trà đến quán chị ngày ấy, tôi cũng bị trí tò mò khơi gợi bởi đôi mắt lúc nào cũng phảng phất một niềm u mặc miên man của chị…

Rồi, quán trà trở nên quy mô hơn. “Đẹp, độc, lạ” là cách diễn đạt ngắn gọn và chuẩn xác nhất về “Lốp” – tên gọi của quán, được chị lấy ý tưởng và decor từ những chiếc lốp xe ô tô chở than trên vùng mỏ ngày nào. Từ những chiếc bàn trà, ghế ngồi đến những thứ trang trí đều từ những chiếc lốp xe bỏ đi, tạo nên một sắc thái khác lạ. Nhưng điều khiến cho mọi người ngỡ ngàng hơn cả là khi chị cất tiếng hát, không gian như lắng đọng với những lời ca như tâm sự, sẻ chia. Tình yêu âm nhạc gắn với chị như máu thịt, vậy mà suốt hàng chục năm trời chị đã phải kìm nén tiếng lòng mình. Khi nhận ra tiếng hát cũng là một sự giải tỏa, xua những buồn đau vào hư vô, rồi có thể làm dịu vết thương lòng ở người khác, chị bắt đầu hát đều đặn hàng đêm tại quán của mình. Dù khách đông hay vắng, chị vẫn ngồi tình tự với những bài nhạc tình, nhạc Trịnh, bên người nhạc công guitar duy nhất.

“Nhiều người không biết tôi đã có giai đoạn hoạt động nghệ thuật cực kỳ sôi nổi ở Quảng Ninh, nên hỏi tại sao bây giờ chị mới đi theo con đường này, nếu đi sớm thì đã nổi tiếng từ lâu rồi. Cũng có người ví von tôi như bông hoa nở muộn, tôi chỉ cười, bởi cơ hội để trở thành một ca sỹ chuyên nghiệp rất nhiều, nhưng tôi đã không chọn con đường đó”, chị chia sẻ.
Nhiều người bảo chị dũng cảm, khi quay trở lại sân khấu âm nhạc ở độ tuổi không còn trẻ nữa, hát ở một nơi không phải quê hương, không ai biết đến, nhất là việc mở một phòng trà ở giữa thủ đô hoa lệ, nghe tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế không hề dễ dàng chút nào. Chị giãi bày, mong muốn lớn nhất của chị là có không gian để biểu diễn, để hòa với những tâm hồn đồng điệu, không hẳn vì mục đích kinh doanh. Điều quan trọng là vẫn được làm công việc đam mê, được chia sẻ niềm đam mê của mình đến với nhiều người. Quan trọng hơn, nó có thể xoa dịu những vết thương, tổn thương trong tâm hồn, mà chị gọi đó là “tiếng hát chữa lành”.
“Tôi chưa bao giờ nhận mình là ca sỹ hay nghệ sỹ, mà chỉ đơn giản là người cháy hết mình với niềm đam mê, nhất là niềm đam mê ấy có thể sưởi ấm cho những tâm hồn chênh vênh, thông qua sự biểu đạt về cảm xúc âm nhạc, thì họ như tìm thấy một sự cảm thông, chia sẻ”, chị tâm sự.

Không gian âm nhạc mới của chị sẽ là nơi hội tụ của những tâm hồn yêu nhạc, là sân chơi lành mạnh cho mọi lứa tuổi. Ở đó, chị cùng tự tình, cùng hiểu và thông cảm nhau.
Tiếng hát của chị là tiếng lòng, dù qua nhiều trắc trở, nhưng vẫn tự vá lành vết đau để nối lại lời ca đầy duyên nợ.
Viễn Nguyệt - Xuân Hưng