
Thầy, thuốc tại chỗ - Điều trị tại nhà
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trên cơ sở các kinh nghiệm quốc tế, mô hình bệnh tật (gần 80% bệnh nhân nhẹ, không có triệu chứng), Bộ Y tế đã liên tục cập nhật các phác đồ về quản lý, chăm sóc, điều trị, đảm bảo để các trường hợp F0 tại nhà và cộng đồng được tiếp cận, chăm sóc điều trị một cách tốt nhất.
Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc kháng virus Molnupiravir trong điều trị COVID-19 đã công bố tại một số quốc gia cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong; Căn cứ kết quả đánh giá giữa kỳ của nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir tại cơ sở y tế, Bộ Y tế và Sở Y tế TP. HCM sẽ triển khai chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát trường hợp mắc COVID-19 tại nhà và cộng đồng, dự kiến bắt đầu vào 25/8/2021 tại TP. HCM.
Trong chương trình, các trường hợp mắc COVID-19 (kết quả xét nghiệm bằng RT-PCR hoặc kit xét nghiệm nhanh tại nhà) có triệu chứng ở mức độ nhẹ sẽ được cán bộ y tế tư vấn, giải thích về chương trình, và sau khi đồng ý tự nguyện tham gia chương trình bằng văn bản, sẽ được phát 1 túi thuốc home-based care. Cùng với túi thuốc là tài liệu hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế, Sở Y tế về tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và liên lạc với bác sĩ phụ trách, cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng trở nặng để được giúp đỡ. Sau 5 ngày, tất cả bệnh nhân sẽ được đánh giá về tỉ lệ âm tính với virus SARS-CoV-2 và tỉ lệ bệnh không diễn tiến sang mức độ nặng hơn. Trong suốt thời gian 14 ngày, bệnh nhân sẽ được theo dõi về triệu chứng của bệnh COVID-19 và các tác dụng phụ nếu có của thuốc.
Chương trình có sự đồng hành, tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, tập đoàn trong nước, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, các Tổ phản ứng nhanh, Trạm Y tế lưu động tại các quận, huyện của TP. HCM và các đơn vị liên quan khác. Dựa trên kết quả tổng kết, đánh giá, Bộ Y tế sẽ xem xét để tiếp tục triển khai mở rộng áp dụng chương trình với các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân tại các địa phương khác đang có dịch.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã đề nghị các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu dược phẩm tiếp xúc, đàm phán với các đối tác có bản quyền để mua, nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc Molnupiravir và đề nghị MERCK và các hãng dược phẩm khác khẩn trương nộp hồ sơ về Bộ Y tế để xem xét, cấp phép sử dụng thuốc điều trị COVID-19 trong điều kiện khẩn cấp. Bộ Y tế đồng thời tiếp tục thúc đẩy các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm, trao đổi, đàm phán để đưa các thuốc điều trị kháng virus khác như kháng thể đơn dòng Remdesivir về Việt Nam để phục vụ công tác điều trị bệnh nhân.
Bộ Y tế cho biết, ngày 23/8/2021, lô hàng thuốc Molnupiravir nhập khẩu đầu tiên hơn 300.000 viên 200mg đủ cho hơn 7.500 liều đã về đến Việt Nam. Dự kiến ngày 28/08/2021 thêm 1.700.000 viên 200mg đủ cho 50.000 liều sẽ được đưavề Việt Nam. Đồng thời, các lô thuốc tiếp theo sẽ được nhập khẩu để sử dụng trong chương trình vào đầu tháng 9/2021.
Không để ai ở nhà bị đói

Ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố cho biết, từ ngày 23/8, TP. HCM sẽ cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân hàng tuần. Công tác cung ứng sẽ được phân chia theo từng vùng và từng nhóm đối tượng cụ thể. Đối với "vùng xanh" và "vùng vàng", TP. HCM sẽ chia làm 2 nhóm người dân. Trong đó, nhóm người dân có điều kiện và chưa cần hỗ trợ sẽ được đi chợ một lần mỗi tuần. Đối với người có hoàn cảnh khó khăn, thành phố sẽ cấp gói hỗ trợ đã được Trung tâm An sinh thành phố chuẩn bị. Việc cung cấp sẽ được tổ chức mỗi tuần. Đối với "vùng cam" và "vùng đỏ", TP. HCM cũng chia làm 2 nhóm như trên. Trong đó, người có điều kiện, chưa cần hỗ trợ sẽ được chính quyền thành phố, các lực lượng áp dụng biện pháp đi chợ thay mỗi tuần. Đối với người có hoàn cảnh khó khăn, họ cũng được nhận gói hỗ trợ được Trung tâm An sinh chuẩn bị giống người dân tại "vùng xanh", "vùng vàng".
Tổ Công tác đặc biệt tại mỗi địa bàn sẽ phát đến từng nhà dân. Thành phố đã chuẩn bị xong các gói an sinh này và chuyển đến các địa phương. Các địa phương chịu trách nhiệm chuyển đến tận tay người dân. Bên cạnh đó, thành phố đã có gần 3.000 địa chỉ cung ứng hàng hóa tại các phường, xã, thị trấn. Người dân sẽ đến những địa chỉ trên để mua hàng mỗi tuần, các tổ công tác đặc biệt cũng đến các địa điểm trên để đi chợ thay. Trong trường hợp các địa chỉ trên thiếu hàng hóa, thành phố sẽ đưa xe lưu động tới cung ứng, bán hàng hóa cho người dân.
Tại buổi làm việc của Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ về thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam chiều 20/8, Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ cho biết, lực lượng quân đội sẽ lập các đội công tác đặc biệt với sự tham gia của cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên… vừa làm công tác tuyên truyền vận động, giám sát người dân thực hiện nghiêm việc cách ly vừa đưa lương thực, thực phẩm, gói an sinh, gói thuốc điều trị đến từng nhà dân. Ngoài ra, lực lượng quân y cũng sẽ cùng với các trạm y tế lưu động, tổ y tế cộng đồng tham gia điều trị, hỗ trợ y tế cho người nhiễm COVID-19 đang điều trị tại nhà cũng như các trườnghợp y tế khẩn cấp khác.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM thì người gặp khó khăn, người vô gia cư, lao động kiệt quệ vì COVID-19 ngoài việc liên hệ với các tổ dân phố, các phường theo số điện thoại đã công khai và thông báo thì còn có thể gọi ngay đến nhiều số khác.
Cụ thể như: - Tổng đài 1022;
- Trung tâm an sinh TP.HCM (028) 38 272361 – (028) 38 293 771;
- Bộ Tư lệnh TP. HCM: 069 652401 – (028) 66 822 000.
Thần tốc xét nghiệm sàng lọc người mắc COVID-19 trong cộng đồng
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế, Vụ Tổ chức cán bộ đã tiếp tục có văn bản gửi đến các đơn vị trực thuộc và các tỉnh, thành phố để huy động nhân lực y tế tiếp tục đến hỗ trợ TP. HCM và các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Tính đến trưa ngày 21/8 đã có 14.543 cán bộ, chuyên gia, y bác sĩ, giảng viên, sinh viên khối ngành y đã đến TP. HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam. Trong những ngày tới sẽ có thêm 3.000 các lực lượng y tế từ các địa phương của khu vực Nam Trung Bộ sẽ đến TP. HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai để đồng hành phòng, chống dịch.
Để hỗ trợ TP. HCM thần tốc xét nghiệm, ngoài hỗ trợ Thành phố về nhân lực, Bộ Y tế đã huy động trước mắt 10 xe xét nghiệm đầy đủ với máy PCR, máy tách chiết và nhân sự vận hành với công suất 3.000 mẫu đơn/ngày và 3,5 triệu test.
Các chiến sĩ Học viện Quân y được chia thành các tổ Quân y lưu động đi đến từng hộ gia đình hướng dẫn thực hiện test nhanh COVID-19 để bóc tách F0 trong thời gian TP. HCM siết chặt giãn cách.
Thanh Hiền
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ