Cam kết ưu đãi đầu tư
Chương trình khảo sát, tọa đàm thu hút đầu tư du lịch trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại, Chợ Lách tỉnh Bến Tre là hoạt động trong kế hoạch kết nối, xúc tiến để phát triển du lịch của TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười cho biết, thời gian qua, bên cạnh việc triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ, Bến Tre đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch. Cùng với chủ động đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc giải phóng mặt bằng và giải quyết các thủ tục về đất, Bến Tre luôn tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp cận nhanh nhất các thông tin quy hoạch, các dự án, các công trình; hướng dẫn các nhà đầu tư khảo sát thực địa, tiếp cận địa điểm dự án. Tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư các bước trong quy trình xin chủ trương, cấp giấy phép đầu tư.
Thời gian tới, Du lịch Bến Tre sẽ phát triển theo hướng phát huy tối đa, hiệu quả tài nguyên tự nhiên, lịch sử và văn hóa. Tập trung phát triển du lịch theo 3 mục tiêu trọng tâm. Đó là phát triển du lịch nhân văn gắn với các khu di tích lịch sử cách mạng. Phát triển du lịch sinh thái để trở thành trung tâm của du lịch sinh thái miệt vườn của khu vực. Hướng tới phât triển Bến Tre là trung tâm du lịch vừa túi tiền của khách du lịch.
“Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các Sở, ngành liên quan tỉnh Bến Tre; UBND các huyện, thành phố tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ cung cấp các thông tin, các vấn đề đặt ra theo yêu cầu của nhà đầu tư. Bến Tre sẽ chủ động để các nhà đầu tư có được nhiều thông tin hơn, kể cả tổ chức thêm các cuộc khảo sát tiếp theo nếu các nhà đầu tư có nhu cầu đến tìm hiểu, nghiên cứu và quyết định đầu tư. Bến Tre rất cầu thị, cam kết sẽ tạo mọi điều kiện đúng pháp luật để hỗ trợ, ưu đãi các nhà đầu tư. Bến Tre đặc biệt mong muốn có sự hợp tác với các nhà đầu tư để phát triển du lịch tại địa phương” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười nhấn mạnh.
Đại diện tỉnh Bến Tre đồng thời cho biết, những nội dung được chia sẻ, thảo luận, thống nhất trong buổi tọa đàm sẽ được bổ sung hoàn chỉnh. Đây là tiền đề quan trọng để chuẩn bị cho Hội nghị Xúc tiến mời gọi đầu tư du lịch TP. Hồ Chí Minh và Bến Tre năm 2023 hướng đến các tỉnh, thành vùng ĐBSCL ngày 27/12/2023 tại Bến Tre.
Để du lịch Bến Tre phát triển
Tại buổi tọa đàm, đại diện các sở, ngành cũng thông tin làm rõ, giới thiệu cụ thể hơn cho các nhà đầu tư về điều kiện giao thông, nông nghiệp, chính sách đầu tư; chi tiết các dự án mà nhà đầu tư quan tâm. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết, qua khảo sát thực tế, cơ bản đã có 3 nhà đầu tư đặt vấn đề về khả năng hợp tác đầu tư tại 5 dự án mời gọi đầu tư du lịch trên địa bàn ở các huyện Ba Tri, Bình Đại và Chợ Lách. Đó là dự án du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng tại Khu di tích lịch sử - văn hóa, căn cứ cách mạng bưng Lạc Địa xã Phú Lễ, huyện Ba Tri; dự án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí, ẩm thực ở xã Thừa Đức, huyện Bình Đại; dự án du lịch cồn Bình Trung tại xã Định Trung, huyện Bình Đại; dự án du lịch cồn Cái Gà xã Long Thới, huyện Chợ Lách; dự án Trung tâm điều phối Làng Văn hóa Du lịch - Trạm dừng chân K26 tại xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách. Các dự án nơi đây đa phần là đất công, ở ven biển và bãi bồi, có thể đáp ứng yêu cầu của các tổ chức, nhà đầu tư để phát triển du lịch sinh thái và kinh tế ven sông, ven biển dựa trên lợi thế dư địa, vốn sẵn có của tỉnh Bến Tre.
Tại buổi tọa đàm, các nhà đầu tư, doanh nghiệp tỉnh Bến Tre đánh giá cao các dự án mời gọi đầu tư du lịch của Bến Tre; đồng thời nêu ý kiến, đặt vấn đề với lãnh đạo tỉnh Bến Tre về các khía cạnh liên quan đến thủ tục pháp lý, thông tin chi tiết các dự án mời gọi đầu tư du lịch. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp cho rằng, cần tạo điều kiện đầu tư; chia sẻ thông tin xúc tiến, mời gọi đầu tư các dự án du lịch cần sâu hơn, chi tiết hơn nữa để cung cấp gợi ý cụ thể cho nhà đầu tư hiểu được rõ tiềm năng, lợi thế, bản sắc văn hóa của địa phương. Từ đó đầu tư, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm du lịch Bến Tre. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng đề nghị Bến Tre quan tâm đến việc nâng cấp hạ tầng giao thông, đảm bảo các vấn đề về môi trường. Tăng cường tuyên truyền để ngưởi dân hiểu và có thái độ hưởng ứng tại các điểm có dự án đầu tư.
Tổng Giám đốc Công ty Hàng hải Thủ Đức Nguyễn Trần Hữu Thắng cho rằng, Bến Tre là tỉnh sông nước miệt vườn xứ dừa, có 4 con sông lớn (sông Tiền, Hàm Luông, Ba Lai, Cổ Chiên) với tổng chiều dài đường thủy trên địa bàn khoảng 4.000km. Do vậy, cần gia tăng số lượng cầu tàu, bến neo, bến đậu, bến thuyền đường thủy nội địa từ sông ra phía Đông – biển Đông theo các giá trị văn hóa để phát triển kinh tế ven sông và du lịch Bến Tre. Từ đó, thu hút các du thuyền, khách du lịch đến các điểm đến trên hệ thống ven sông Bến Tre trải nghiệm các hoạt động thể thao dưới nước, văn hóa giải trí trên dòng sông.
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có trên 50 khu du lịch và điểm đến tham quan, trải nghiệm với trên 90 cơ sở lưu trú đủ điều kiện phục vụ khách du lịch; tổng thu từ du lịch tăng trưởng bình quân 22-25%/năm. Bến Tre hiện có 30 dự án đang đầu tư lĩnh vực du lịch với tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng; có 23 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư du lịch phân bổ trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh. Bến Tre đang thực hiện theo các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Trung ương, bao gồm các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp: thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm đầu; miễn 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo.
|
Trần Văn Lợi