Dịch vụ du lịch đêm tại phố đi bộ Bùi Viện
Tuyến đường Bùi Viện bắt đầu từ giao lộ Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo đến Cống Quỳnh, có chiều dài 650m. Bắt đầu từ những năm 1990, khi khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam, con phố này bắt đầu rộn ràng đón du khách. Các nhà hàng, khách sạn, quán ăn… mọc lên rất nhiều và nhanh chóng trở nên tấp nập. Từ ngày 20/8/2017 đến nay, UBND Quận 1 đã tổ chức thí điểm phố đi bộ Bùi Viện với nhiều nội dung được đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng thêm. Hiện nay, trên toàn tuyến phố đi bộ có 308 cơ sở kinh doanh, trong đó có 229 cơ sở kinh doanh, ngành nghề kinh doanh chủ yếu gồm: nhà nghỉ, phòng cho thuê, khách sạn (49 cơ sở); dịch vụ lữ hành (11 cơ sở); phòng tranh, quần áo, đồ lưu niệm (46 cơ sở); cửa hàng tiện lợi (8 cơ sở); spa, cắt tóc, tattoo (21 cơ sở); nhà hàng, quán ăn (46 cơ sở); quán cà phê (18 cơ sở); quán bar, quán bia (30 cơ sở). Nơi đây còn có 2 sân khấu ca nhạc hoạt động từ 20h00 đến 21h00 thứ bảy và chủ nhật hàng tuần (1 sân khấu nhạc dân tộc - 33 Bùi Viện, 1 sân khấu nhạc quốc tế - 202 Bùi Viện).
Sau thời gian triển khai tổ chức thí điểm, phố Bùi Viện dần trở thành điểm đến về đêm của rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Theo thống kê của UBND Quận 1, ước tính mỗi ngày phố đi bộ đã thu hút từ 1.000 – 1.500 lượt khách và vào các dịp lễ hội có từ 4.000 - 5.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Đặc biệt, tuyến đường Bùi Viện thu hút một lượng lớn du khách về đêm với khoảng 1.500 - 2.000 lượt khách/đêm. Riêng các ngày thứ bảy, chủ nhật, lượng du khách tăng gấp đôi, thậm chí đến 5.000 lượt khách/đêm.
Hoạt động xúc tiến dịch vụ đêm tại phố đi bộ Bùi Viện
Khi đưa phố đi bộ Bùi Viện vào hoạt động thí điểm, UBND Quận 1 đã xây dựng và phát hành 5.000 tờ gấp giới thiệu và cung cấp thông tin về phố đi bộ Bùi Viện; tổ chức tuyên truyền nội dung Bộ quy tắc “Four Free” và “Four No” giới thiệu 4 tiện ích được cung cấp miễn phí và 4 khuyến cáo không nên thực hiện khi đến khu vực này để du khách biết. Bên cạnh đó, UBND Quận 1 còn tổ chức tuyên truyền trực quan bằng băng rôn, phướn nhằm thông tin các hoạt động của phố đi bộ Bùi Viện hàng tuần; tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của Sở Du lịch và Quận 1.
Để góp phần quảng bá hình ảnh tuyến phố, UBND Quận 1 đã phối hợp Đài truyền hình thành phố xây dựng và triển khai Phim tư liệu giới thiệu những dịch vụ tiện ích và ẩm thực đa dạng tại phố đi bộ Bùi Viện. Ngoài ra, UBND Quận 1 còn lắp đặt 20 trụ đèn tích hợp trang trí, tuyên truyền, quảng bá các hoạt động phố đi bộ; xây dựng 2 cổng chào, logo và wifi nhận diện phố đi bộ.
Nghiên cứu về hoạt động xúc tiến dịch vụ đêm tại phố đi bộ Bùi Viện, tác giả đã chia ra mục tiêu xúc tiến gồm 5 mức và tiến hành khảo sát các đơn vị cung ứng dịch vụ tại phố Bùi Viện. Kết quả như sau: Mức 1 - Chưa biết: (0), Mức 2 - Biết về những dịch vụ (14%), Mức 3 - Hiểu về những dịch vụ (50%), Mức 4 - Tin vào những dịch vụ (36%), Mức 5 - Tạo nhận thức lợi ích (0). Như vậy, đa phần các đơn vị cung ứng dịch vụ lựa chọn mục tiêu xúc tiến là hướng đến những nội dung để khách hàng hiểu về những dịch vụ của mình, tiếp theo đó là tin vào những dịch vụ và cuối cùng là biết về những dịch vụ do mình cung cấp. Đa số các đơn vị cung ứng dịch vụ tại phố đi bộ Bùi Viện lựa chọn đối tượng khách hàng là khách du lịch nội địa (chiếm 80%), còn lại chọn đối tượng khách quốc tế (20%). Yếu tố này cũng đang phù hợp với tình hình hiện nay khi Việt Nam mới mở cửa đón khách quốc tế, vì thế lượng khách quốc tế vào Việt Nam vẫn chưa đông.
Dựa theo thông điệp của UBND Quận 1 khởi xướng cho toàn phố đi bộ Bùi Viện, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tại đây đều hưởng ứng theo nội dung thông điệp là “Four Free” (bốn miễn phí) gồm nhà vệ sinh miễn phí, wifi miễn phí, cung cấp thông tin - hỗ trợ du khách miễn phí và “nụ cười miễn phí”. Đây là thông điệp vui vẻ, dễ nhớ, đều được các doanh nghiệp cung ứng tại đây đánh giá cao và sử dụng luôn cho đơn vị của mình.
Hiện nay, đa phần các quán bia, bar, các quán ăn, nhà hàng phố đi bộ đều lựa chọn kênh truyền thông trực tiếp: sử dụng các nhân viên bán hàng trực tiếp tiếp xúc, mời chào và thuyết phục khách hàng sử dụng các dịch vụ của mình. Thông qua kênh trực tiếp này, đơn vị cung ứng dễ dàng tương tác, giải thích trực tiếp với khách hàng, làm tăng độ tin tưởng và thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm. Ngoài ra, 100% đơn vị cung ứng tại phố đi bộ Bùi Viện đều có trang facebook để xúc tiến các dịch vụ của mình.
Bên cạnh kênh truyền thông trực tiếp, các đơn vị cung ứng dịch vụ tại phố đi bộ còn sử dụng kênh truyền thông gián tiếp, đó là sử dụng bảng hiệu lớn để quảng bá thương hiệu của mình. Các doanh nghiệp đều tận dụng khoảng diện tích tối đa để trưng bày bảng hiệu nhằm tạo ấn tượng mạnh vào tầm nhìn của du khách (đối với các quán bia, quán bar) và liệt kê giá thật to, rõ ràng (đối với quán ăn nhỏ, quán ăn đường phố với chủ trương cạnh tranh bằng giá).
Theo nội dung phỏng vấn sâu của tác giả, đa số các đơn vị tại phố đi bộ Bùi Viện đều cho rằng họ không dành ngân sách cho truyền thông mà tập trung vào chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, theo ước tính của tác giả thì các đơn vị tại đây dành khoảng 10 -30% tổng lợi nhuận để chi cho truyền thông. Cụ thể, chi vào các hạng mục như: bảng hiệu quảng cáo, nhân viên bán hàng hoặc trả chi phí chiết khấu cho đối tác từ 15 - 25% trên mỗi đơn hàng bán được …
Qua khảo sát, khoảng 80% đơn vị cung ứng bỏ qua việc đánh giá và quản lý hoạt động truyền thông. Khoảng 20% có sự đánh giá hoạt động này, đa phần là các doanh nghiệp lớn, các đơn vị khách sạn từ 3 sao trở lên như Đức Vượng, Erden Garden Hotel, Miss Saigon bar and restaurant, Sahara Beer Club…
Một số đề xuất tăng cường hoạt động xúc tiến dịch vụ đêm tại phố đi bộ
Để tăng cường công tác xúc tiến dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch tại phố đi bộ Bùi Viện, tác giả đưa ra một số đề xuất như sau:
Đảm bảo công tác ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực phố đi bộ Bùi Viện, luôn duy trì lực lượng an ninh túc trực tại đây. Đồng thời cho phép thí điểm kéo dài thời gian hoạt động các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6h00 sáng hôm sau tại phố đi bộ Bùi Viện.
Khi xây dựng chương trình xúc tiến sản phẩm, dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch cần có sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch nhằm tạo sự đồng bộ, từ thông điệp đến các hình thức triển khai hoạt động xúc tiến.
Cơ quan quản lý cần thành lập nhóm hỗ trợ thông tin cho du khách với trang phục đẹp, dễ nhận diện và chia thành 2 nhóm đứng đầu và cuối đường Bùi Viện để dễ dàng tiếp cận du khách cần hỗ trợ.
Thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới và nhỏ trong quảng bá hình ảnh, thương hiệu dịch vụ đêm trên các website, trang thông tin điện tử..., tham gia các hội chợ du lịch, tiếp cận và mở rộng thị trường.
Các đơn vị doanh nghiệp cần bồi dưỡng, nâng cao trình độ của đội ngũ nhân viên về kiến thức xúc tiến, quảng bá, marketing các sản phẩm dịch vụ du lịch nói chung và các sản phẩm dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch nói riêng.
Hy vọng một số gợi ý trên sẽ góp phần đẩy mạnh hiệu quả hoạt động xúc tiến dịch vụ đêm đối với phố đi bộ Bùi Viện, góp phần định vị hình ảnh điểm đến, thu hút khách du lịch đến với Bùi Viện ngày càng đông hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. Bùi Nhật Quỳnh; Thân Trọng Thụy (2017), Đánh giá sự phát triển của các sản phẩm du lịch đêm tại thành phố Hà Nội, Tạp chí Khoa học Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, số 5 (14), tr.103–111.
2. UBND Quận 1 (2019), Báo cáo Sơ kết 02 năm triển khai tổ chức Thí điểm hoạt động Phố đi bộ Bùi Viện (20/8/2017 - 20/8/2019).
3. Sutono A.Briandana R. Dwityas N. A., “Exploration of Marine tourism in north Sumatra: An analysis of promoting tourism,” J. Soc. Stud. Educ. Res., 2018
Phan Đức Ngọc
TS. Trịnh Lê Anh
(Tạp chí Du lịch tháng 7/2022)